Chưa hết hãi hùng trước những vụ hoa quả, thực phẩm, sữa Trung Quốc bị nhiễm độc. Những ngày gần đây, người tiêu dùng Việt Nam vô cùng hoang mang trước thông tin đồ chơi độc hại gây nguy hại sức khỏe trẻ em. Sau đây là danh sách những món đồ chơi được coi là “sát thủ” hại bé.
1. Các loại bóng và hạt nở trong nước gây co giật
Loại đồ chơi này có kích thước nhỏ, khi ngâm vào nước hay dung dịch có thể nở ra đến 400%. Loại đồ chơi này, nếu nuốt phải, sẽ nở to phình rộng bên trong cơ thể, gây tắc nghẽn hệ thống tiêu hóa dẫn đến nôn mửa, khó chịu và mất nước, đe dọa tính mạng bệnh nhân.
Hạt nở có độc chứa chứa 1,4-butanediol, chất được chuyển hóa vào loại chất kích thích gamma-Hydroxybutyric acid (GHB, một chất gây mê được dùng làm chất kích thích để giải trí). Những trẻ em bị ảnh hưởng đã có các triệu chứng co giật - hiệu ứng phụ đôi khi gặp của việc dùng GHB quá liều.
Khi ở dạng cứng, hạt nở sẽ rất nguy hiểm cho trẻ nếu rơi vào mắt, gây viêm mạc, chưa kể những viên bi lấp lánh xinh xắn này làm trẻ dễ bỏ vào miệng nhai.
Tại Việt Nam, học sinh ở Thanh Hóa đã bị ngộ độc hàng loạt do loại hạt này. 22 học sinh và 1 giáo viên của trường trung học cơ sở xã Quảng Phong, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa phải nhập viện với các triệu chứng đau đầu, chóng mặt, một số ca buồn nôn. Nguyên nhân do cốc hạt nhựa nở ngâm nước phát tán mùi và chất nhựa khiến gây buồn nôn, chóng mặt cho người xung quanh.
2. Tuýp keo thổi bóng-có thể ngộ độc cấp tính
Nhiều trẻ nhỏ rất thích thú với trò chơi thổi bong bóng từ lọ keo đồ chơi nhưng theo khuyến cáo của các nhà khoa học thì chúng ẩn chứa nhiều hiểm họa cho sức khỏe.
Trò chơi của trẻ nhỏ này giờ đây còn hấp dẫn cả các "anh chị" học cấp 2, cấp 3 do những quả bóng thổi được ngày càng to, càng đẹp và dai hơn. Dung dịch để thổi bóng được thay thế bằng một loại chất dẻo đựng trong tuýp. Chỉ cần lấy một ít chất dẻo vào đầu ống thổi, trẻ sẽ dễ dàng thổi được những quả bóng trong suốt, lấp lánh màu sắc, với những kích cỡ to nhỏ theo ý muốn.
PSG.TS Phạm Gia Điền cho rằng, các hóa chất sử dụng trong dung dịch thổi bong bóng cũng không quá độc hại như trong các loại keo thổi bóng.
Bong bóng thổi từ các tuýp keo này không phải là những quả “bóng nước” như thổi từ dung dịch nước mà chúng được thổi ra từ các chất tạo màng dai. Những chất này có thể là polyme hoặc có thành phần nhựa, nhưng để thổi được thành bóng cần có thêm dung môi hòa tan.
Các chất dẫn xuất có thể được dùng như aceton, butanol, izoamyl ancol, butyloeetat... thường là các chất bay hơi, hàm lượng lớn xâm nhập vào cơ thể có thể gây ngộ độc cấp tính. Nồng độ cho phép của các chất này trong không khí cũng là rất thấp.
Các bong bóng thổi bằng chất keo dính thực chất là các màng dai, giống như ở kẹo cao su, nên không thể khúc xạ ánh sáng mặt trời để tạo nên màu sắc.
Theo PGS.TS Phạm Gia Điền, muốn tạo màu sắc cho các quả bóng này, nhà sản xuất nhất thiết phải thêm vào các chất tạo màu; Có thể là phẩm màu được phép sử dụng trong sản xuất, chế biến thực phẩm, đồ chơi, đồ dùng tiếp xúc trực tiếp với cơ thể qua đường hô hấp, đường tiêu hóa, nhưng cũng có thể để hạ giá thành sản phẩm nhiều người cũng không ngại sử dụng các chất tạo màu công nghiệp rất độc hại đối với cơ thể.
Hơn nữa, các quả bóng bằng màng dai này khi thổi to quá mức nếu bị nổ vỡ, nguy cơ bắn vào mắt, sẽ gây nguy hiểm rất lớn.
3. Bóng bay có thể gây ung thư
Nhiều bậc phụ huynh vô tư cho trẻ thổi bóng bay cao su mà ít ai biết rằng, sản phẩm này làm từ mủ cao su cùng các chất phụ gia dễ gây độc hại cho trẻ.
Theo KS Vũ Tân Cảnh, Phòng Nghiên cứu Vật liệu Polyme - Compozit, Viện Khoa học Vật liệu (Viện Khoa học & Công nghệ Việt Nam), nguyên liệu chính làm bóng bay được làm bằng mủ chích từ cây cao su cùng các hóa chất: lưu huỳnh, chất xúc tiến, bột màu, bột tan. Trong đó, lưu huỳnh được sử dụng nhằm mục đích lưu hóa mủ cao su giúp dẻo, dai, không bị dính.
Chất xúc tiến giúp mủ cao su khi nấu lên được nhanh khô. Chất quặng bột tan thường có màu trắng được dùng để phết lên bóng bay sau khi hoàn thành để bóng bay không bị dính, dễ tách ra khi thổi. Còn phẩm màu nhằm tăng các màu sắc xanh, đỏ, tím, vàng. Các chất màu này đều sử dụng bột màu công nghiệp và chứa các kim loại độc hại như màu đỏ có chất chì, màu xanh và vàng có chất crom...
Hầu hết các loại bóng bay hiện nay đều sử dụng công thức trên nên rất độc cho trẻ nhỏ khi thổi, ngậm hay cầm tay. Bởi các chất như lưu huỳnh, chất xúc tiến, bột màu đều là hóa chất công nghiệp. Các chất này khi còn dư sẽ rất độc hại đối với sức khỏe trẻ nhỏ.
Hệ lụy nặng nhất các chất này để lại là gây ung thư cho trẻ. “Chất này dễ dàng dây ra khi trẻ ngậm, thổi. Điều này dễ nhận thấy như khi trẻ cầm, thổi sẽ có màu trên tay, miệng. Chất bột có mùi hôi, hắc...”, KS Vũ Tân Cảnh khuyến cáo.
4. Thú nhún gây vô sinh ở bé trai, dậy thì sớm ở bé gái
Thú nhún là đồ chơi được rất nhiều trẻ em mầm non yêu thích, gần như trẻ nào cũng được bố mẹ sắm một con. Tuy nhiên, theo kết quả phân tích của Cục Quản lý Chất lượng sản phẩm, hàng hóa (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng, Bộ Khoa học & Công nghệ) công bố những ngày gần đây thì các mẫu thú nhún được kiểm tra chứa hàm lượng phthalate bất thường có nguy cơ gây vô sinh ở trẻ trai, dậy thì sớm ở trẻ gái.
Hiện tại, chưa có số liệu về các giá trị gây độc hay lượng tối đa cho phép sử dụng phthalate trong nhựa theo tiêu chuẩn Việt Nam. Nhưng tại thị trường Mỹ và châu Âu, chất hóa dẻo gốc phthalate như DOP đang dần bị tẩy chay do tính độc hại của chúng.
PGS. TS Trịnh Lê Hùng, Khoa hóa học, Trường đại học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, các hợp chất phthalate là những chất phổ thông, được sử dụng rộng rãi như chất hóa dẻo để làm mềm các vật liệu dễ vỡ, đặc biệt là polyme. Trong số các chất hóa dẻo gốc phthalate thì DOP và DBP là các loại chất hóa dẻo được sử dụng phổ biến nhất trong sản xuất sản phẩm nhựa PVC, PP và PE. Tuy nhiên, ít ai biết rằng các hợp chất phthalate tiềm ẩn mối nguy hại cho con người nếu sử dụng quá mức cho phép, có thể gây ra hàng loạt các chứng bệnh ở con người và gây ngộ độc ở trẻ em.
Tiếp xúc lâu dài, lượng phthalate tích tụ lớn còn có thể gây ung thư, hủy hoại thận, phá hủy hệ thống hormone của cơ thể. Một số hóa chất gốc phthalate ảnh hưởng đến nội tiết đã được xác định là dibutylphtalate (DBP). Đối với trẻ em, khi tiếp xúc hỗn hợp hóa chất này nguy cơ rất cao mắc các bệnh về hen suyễn và dị ứng.
5. Đồ chơi phát sáng, có âm thanh chói tai
Nhiều bậc phụ huynh mua cho trẻ những đồ chơi nhiều màu sắc, chạy bằng pin và phát ra những tiếng nhạc to rồi ánh sáng chói và nghĩ trẻ thích. Điều này sẽ gây ảnh hưởng xấu tới thị giác và thính giác của trẻ.
6. Lồng đèn nhựa Trung Quốc chứa chất gây ung thư
Vào tháng 9 năm 2012 vừa qua, Viện Khoa học vật liệu ứng dụng và Viện Công nghệ hóa học đã tiến hành kiểm nghiệm đối với 2 mẫu đèn lồng nhựa Trung Quốc đang bán trên thị trường. Kết quả cho thấy muối cadimi (Cd) trong sơn phủ có hàm lượng cao gấp 123 lần mức cho phép trong Bộ tiêu chuẩn an toàn đồ chơi trẻ em do Bộ Khoa học - công nghệ Việt Nam. Cd là chất được sử dụng như là chất tạo màu trong nhiều loại nhựa. Đó cũng là một trong ba kim loại (hai loại còn lại là chì và thủy ngân) độc hại nhất với cơ thể người, có thể gây ung thư tuyến tiền liệt, ung thư phổi, dị tật thai nhi...
Theo giới chuyên môn cho biết, chỉ cần tiếp xúc, cầm nắm đèn lồng là có thể bị thôi nhiễm Cd. Đèn lồng nhiễm Cd với hàm lượng quá cao sẽ tích lũy nhiều trong thận và chỉ phát bệnh sau nhiều năm tiếp xúc.
Tiêu chí của đồ chơi an toàn
Ông Trần Quốc Tuấn, Cục Quản lý chất lượng hàng hóa, Bộ KH&CN cho biết: Theo quy định, đồ chơi của trẻ em phải đáp ứng được những yêu cầu về kỹ thuật, đặc biệt là yêu cầu về hợp chất hữu cơ độc hại (chất lỏng và formaldehyt).
Chất lỏng có trong đồ chơi trẻ em không được có độ pH nhỏ hơn 3,0 hoặc lớn hơn 10,0. Riêng trong đồ chơi cho trẻ em dưới 3 tuổi, các chi tiết vải dệt có thể tiếp xúc được không chứa hàm lượng formaldehyt tự do và formaldehyt đã thủy phân vượt quá 30mg/kg.
Chi tiết giấy có thể tiếp xúc được không được chứa hàm lượng formaldehyt vượt quá 30mg/kg.
Các chi tiết gỗ liên kết bằng keo dán có thể tiếp xúc được không được chứa hàm lượng formaldehyt giải phóng vượt quá 80mg/kg.
Với các loại đồ chơi trẻ em dùng điện, không được dùng nguồn điện có điện áp vượt quá 24V và không một bộ phận nào trong đồ chơi trẻ em có điện áp vượt quá 24V. Dây dẫn, cáp điện nối đến các bộ phận này phải được cách điện và bảo vệ thích hợp để ngăn ngừa rủi ro về điện.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét